Để có thể cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cần không ngừng đổi mới về công nghệ, thiết bị, áp dụng các hệ thống quản trị hiện đại, các công cụ cải tiến, mô hình kinh doanh tiến tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp.
1. Doanh nghiệp tăng khả năng tự cải tiến
Theo kết quả khảo sát của Bộ Công Thương về hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng, sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp 2012-2020, có tới 99,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động hỗ trợ của dự án đem lại hiệu quả. Yếu tố được cải thiện nhiều nhất là năng lực tự thực hiện cải tiến của doanh nghiệp, lên tới 98%.
85% doanh nghiệp cải thiện về tác phong, thái độ làm việc của cán bộ công nhân viên; gần 70% doanh nghiệp đánh giá an toàn lao động được nâng lên; gần 65% doanh nghiệp có năng suất lao động tăng lên; 55% doanh nghiệp giảm lãng phí nguyên vật liệu…
Dự án cũng đã giúp các doanh nghiệp đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe về hệ thống quản lý, chất lượng sản phẩm của nhà nhập khẩu, chuỗi cung ứng của các nhà gia công lắp ráp…

Ý thức tự cải tiến là động lực quan trọng để doanh nghiệp logistics nâng cấp bản thân
Phát biểu tại Diễn đàn năng suất chất lượng ngành Công Thương năm 2020 chiều nay 21/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đánh giá, nếu nhìn từ phía doanh nghiệp sản xuất có thể thấy nỗ lực cải tiến không ngừng của các doanh nghiệp và những kết quả rất rõ ràng gắn với mục tiêu tăng năng suất, chất lượng cũng như khả năng cạnh tranh. Điều này thể hiện phong trào năng suất đang dần phát triển và lan tỏa.
Tuy nhiên, nhìn từ yêu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực của các nhà sản xuất đầu chuỗi, thị trường nhập khẩu lại chỉ rõ những thách thức và đòi hỏi ngày càng lớn hơn và buộc mỗi doanh nghiệp cần một chiến lược tiếp cận chủ động, toàn diện hơn trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh.
Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào trong nền kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp đang phải đương đầu với những đối thủ cạnh tranh lớn, có tiềm lực về tài chính, công nghệ, trình độ quản lý hiện đại.
“Vì vậy, để có thể cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cần không ngừng đổi mới về công nghệ, thiết bị, áp dụng các hệ thống quản trị hiện đại, các công cụ cải tiến, mô hình kinh doanh tiến tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp”, lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.
2. Cần trợ lực về tài chính
Thảo luận về vấn đề giải pháp tận dụng cơ hội phát triển sáng tạo, thúc đẩy cải tiến năng suất và chất lượng cho doanh nghiệp, bà Đàm Thị Hồng Lan, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Kinh doanh VIETBAY phân tích, muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị rất tốt, xu hướng hiện nay sẽ ngày càng yêu cầu năng lực cao hơn.
Doanh nghiệp phải lựa chọn xem yêu cầu của sản xuất công nghiệp là gì để đáp ứng. Doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn trở ngại. Doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ ở cả ba khía cạnh là thông tin, tài chính và đào tạo nguồn nhân lực.

Nhân sự chất lượng cao là giải pháp của doanh nghiệp trong tương lai
“Doanh nghiệp hiện nay đang bội thực về thông tin, ở đâu cũng nói sản xuất thông minh, số hóa nhưng làm thế nào cho từng ngành nghề thì doanh nghiệp chưa được tiếp cận đúng, đủ. Về tài chính, nhiều doanh nghiệp cảm thấy cần thiết nhưng không đủ tài chính để duy trì cải thiện chuyển đổi số liên tục qua nhiều năm, hy vọng Nhà nước sẽ hỗ trợ trước tiên lĩnh vực, doanh nghiệp trọng điểm và từng bước dần nhân rộng”, bà Lan nhấn mạnh.

Nguồn lực tài chính đóng vai trò quan trọng trong các bước chuyển mình của doanh nghiệp logistics
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Hỗ trợ chiến lược, Tổ hợp Samsung Việt Nam, từ năm 2004 đến nay Samsung Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp Việt khá nhiều, trong đó có đào tạo cải tiến sản xuất sắp xếp lại nhà xưởng, đào tạo khuôn mẫu…
Với môi trường thay đổi nhanh như hiện tại, các doanh nghiệp muốn mua đơn hàng theo cả cụm linh kiện chứ không phải linh kiện rời rạc. Samsung muốn doanh nghiệp Việt liên kết với nhau để cung ứng được các phụ kiện hoàn chỉnh, làm sao không chỉ cải tiến chất lượng sản phẩm của mình tạo ra mà còn phải liên kết với nhau. “Để tự chủ cần đi nhanh, tập trung vào nội lực, thế mạnh nhưng muốn đi xa thì phải có bạn”, ông Anh Tuấn nói.
Chia sẻ nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản… đi đầu tư đều mang theo chuỗi ứng của mình, ông Anh Tuấn phân tích đó là bởi nếu thu mua linh kiện rời thì ai là người đóng gói, lắp ráp…, đó là chưa kể linh kiện mỗi năm thay đổi một lần, nhất là trong lĩnh vực điện, điện tử như của Samsung…
“Doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư mạnh hơn về công nghệ, đây là chìa khóa giúp doanh nghiệp giảm giá thành ngày hôm nay, đồng thời sáng tạo ra sản phẩm có giá trị mới vào ngày mai”, ông Anh Tuấn nhấn mạnh.
Nguồn: Hải quan Online