Kết thúc quý 1/2021, xuất khẩu hàng hóa ghi nhận tăng trưởng cao vượt bậc so với nhiều quốc gia trong khu vực với 11 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, dự báo xuất khẩu hàng hóa thời gian tới tiếp tục đối mặt không ít khó khăn khi chuỗi cung ứng gián đoạn, chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao…
1. Xuất siêu 2,03 tỷ USD
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương, tính chung quý 1, kim ngạch hàng hóa XK ước đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 3 ước tính xuất siêu 400 triệu USD và con số này trong cả quý 1 là 2,03 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,75 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 8,78 tỷ USD.
Nhìn chung, tỷ trọng XK của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và khối các ngành có DN có vốn đầu tư nước ngoài. Trong quý đầu tiên của năm nay, có 11 mặt hàng đạt trị giá XK trên 1 tỷ USD, chiếm 76,6% tổng trị giá XK. Trong đó, điện thoại và linh kiện có trị giá XK lớn nhất đạt 14,1 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ trọng XK của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
Đặt lên “bàn cân” so sánh, Bộ Công Thương đánh giá, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 3, tăng trưởng XK 22% trong quý 1 là tương đối cao so với các nền kinh tế khác trong khu vực châu Á. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch XK của Indonesia chỉ tăng 8,56%; Singapore tăng 1,1%; Hàn Quốc tăng 10,5%; Nhật Bản tăng 9% và Thái Lan giảm 1,16%…
“Trong quý 1, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 2,03 tỷ USD, qua đó hỗ trợ tích cực cho cán cân vãng lai và cán cân thanh toán tổng thể của nền kinh tế. Những kết quả đạt được của hoạt động thương mại trong thời gian qua đã và đang cho thấy những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ban, ngành trong việc phòng chống dịch bệnh song song với thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh”, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Thời gian tới, hoạt động XNK được kỳ vọng tiếp tục khởi sắc nhờ sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được thực thi một cách đầy đủ và toàn diện hơn, thu hút dòng vốn FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao đạt kết quả tích cực… “Việc tận dụng khá tốt những lợi thế từ các FTA sẽ là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy XK. Bên cạnh đó, nhu cầu toàn cầu đang cải thiện khi nền kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn phục hồi nhờ việc triển khai mạnh mẽ tiêm vắc xin Covid-19, cũng như sự hỗ trợ từ chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ qua đó giúp tăng cường cơ hội thúc đẩy XK hàng hóa”, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nói.
2. Lo chi phí logistics, nguyên liệu tăng cao
Bên cạnh các yếu tố thuận lợi thúc đẩy XK hàng hóa, một số chuyên gia kinh tế nhận định, thời gian tới XK hàng hóa Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức khi diễn biến dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp cho dù nhiều quốc gia đã đẩy mạnh triển khai chương trình tiêm vắc xin phòng ngừa. Tại châu Âu, nhiều nền kinh tế lớn trong khu vực như Đức, Pháp và Italia tiếp tục phải gia hạn lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực trên cả nước trước sự lây lan của dịch Covid-19. Diễn biến gia tăng của dịch Covid-19 có thể khiến việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, ảnh hưởng tới tình hình XK hàng hóa của Việt Nam sang các nước đối tác.

Chi phí logistics cao có thể giảm giá trị cạnh tranh cho hàng hóa
Trong khi đó, chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu NK tăng cao cũng ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và XK của các DN. Thời gian qua, tình trạng thiếu container rỗng, chi phí vận chuyển tăng cao khiến nhiều DN XNK gặp khó khăn. Nhiều DN buộc phải dời kế hoạch xuất hàng cho đơn hàng cũ và chưa thể nhận đơn hàng mới vì không thể giao đúng theo hợp đồng, cản trở việc phục hồi sản xuất của DN.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, ông Trần Thanh Hải phân tích, nhìn vào hoạt động XK-động lực kéo đà tăng trưởng GDP trong năm 2021, kết quả tăng trưởng XK quý 1 có nhiều khả quan. Tuy nhiên, nhìn vào từng ngành hàng cụ thể thì có sự khác biệt. Điển hình như ngành điện tử, đồ gỗ nội thất đang được hưởng lợi từ yếu tố thị trường, nhưng dệt may, da giày còn khó khăn rất lớn.

Ngành dệt may, da giày vẫn còn gặp nhiều khó khăn xuất khẩu
Cùng với đó, theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, tác động của việc đứt gãy chuỗi cung ứng, nổi lên là vấn đề logistics hay những biến động về địa chính trị trên thế giới cho thấy hoạt động thương mại hiện nay vẫn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất ổn. “Cần có những hỗ trợ kịp thời cho những ngành, lĩnh vực đang chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Về phía DN cần chủ động xây dựng các kịch bản đối phó và nắm bắt cơ hội từ các bất ổn có thể xảy ra. Nâng cao khả năng thích ứng là yếu tố cốt lõi với sự tồn tại và phát triển của DN hiện nay”, ông Trần Thanh Hải nói.
Nguồn: Hải quan Online