Hơn 10 năm góp mặt trong “rổ” thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu của Hải quan Việt Nam, chưa khi nào xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện rơi vào cảnh ảm đạm như trong năm 2020.
1. Một năm sóng gió
Tổng cục Hải quan vừa công bố các số liệu liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu năm 2020.
Một thông tin đáng chú ý liên quan đến xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện.
Tính cả năm 2020, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện chỉ đạt 51,18 tỷ USD, giảm nhẹ 0,4% so với năm 2019.
Trong đó xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Trung Quốc đạt 12,34 tỷ USD, tăng mạnh 48,8%; sang EU đạt 10,06 tỷ USD, giảm 18,6%; sang thị trường Mỹ đạt trị giá 8,79 tỷ USD, giảm 1,2%; sang Hàn Quốc đạt 4,58 tỷ USD, giảm 11%… so với năm trước.
Như vậy, dù vẫn là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất Việt Nam, nhưng điện thoại và linh kiện đã trải quan một năm đầy sóng gió khi lần đầu tiên tăng trưởng âm sau 11 năm có mặt trong “rổ” thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu của cơ quan Hải quan.
Ngay tháng khởi đầu của năm 2020, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này chỉ đạt 2,7 tỷ USD, giảm sâu tới 17,8% so với cùng kỳ 2019.
Sau đó, dù có sự vương lên trong tháng 2 và tháng 3 để kết thúc quý I/2020 với kim ngạch 12,88 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng xuất khẩu điện thoại lại đảo chiều sụt giảm liên tiếp các tháng sau đó và kết thúc quý II chỉ đạt 21,95 tỷ USD, giảm 6,5%.
Bước vào quý III và quý IV, tình hình có cải thiện nhưng chưa đủ sức vực dậy ngành hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nên kết thúc năm 2020 xuất khẩu điện thoại và linh kiện vẫn ở trạng thái tăng trưởng âm.
2. Lấy lại đà tăng trưởng
Sự xuất hiện của nhóm hàng điện thoại và linh kiện gắn với sự ra đời của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV).
SEV được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 3/2008, với tổng vốn đầu tư khoảng 700 triệu USD, tại KCN Yên Phong (Bắc Ninh).
Đến tháng 4/2009 Công ty đưa vào hoạt động một xưởng lắp ráp điện thoại di động và tới tháng 8/2009 thêm một xưởng ép và sơn vỏ điện thoại đi vào sản xuất.
Cuối tháng 10/2009, SEV chính thức khai trương và trở thành nhà máy sản xuất điện thoại di động đầu tiên của Việt Nam, với công suất khoảng 1,5 triệu sản phẩm/tháng vào thời điểm đó.
Từ tháng 1/2010, nhóm hàng điện thoại và linh kiện xuất khẩu chính thức có mặt trong “rổ” thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu đối với các nhóm hàng chính được Tổng cục Hải quan công bố công khai định kỳ.
Thời điểm tháng 1/2010, nhóm hàng điện thoại và linh kiện đạt kim ngạch gần 136 triệu USD.
Rà soát lại dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan từ thời điểm đó đến nay, điện thoại và linh kiện luôn là nhóm hàng có mức tăng trưởng cao thường trên 2 con số, thậm chí có năm tăng trưởng đến 3 con số như năm 2011 tăng tới 178,3%.
Với sự tăng trưởng vượt bậc đó, điện thoại và linh kiện nhanh chóng soán ngôi của các nhóm hàng truyền thống như dệt may, giày dép, thủy sản… để trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Điều này cũng phù hợp với việc mở rộng quy mô sản xuất của Tập đoàn Samsung ở nước ta để đưa Việt Nam thành quốc gia có sản lượng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới của Tập đoàn.
Theo giới thiệu trong báo cáo của Chương trình TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500), Samsung Electronics có 9 nhà máy sản xuất điện thoại di động trên toàn cầu (Hàn Quốc, Indonesia và Ấn Độ mỗi nước có 1 nhà máy; Trung Quốc, Brazil và Việt Nam mỗi nước có 2 nhà máy).
Hai nhà máy ở Việt Nam là SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên, thành lập năm 2013, vốn đầu tư là 5 tỷ USD). Hiện nay đây là 2 nhà máy sản xuất linh kiện và lắp ráp điện thoại di động lớn nhất và hiện đại nhất của Samsung Electronics trên toàn cầu.
Trong đó, SEV hiện có khoảng 40.000 lao động, SEVT có 70.000 lao động. 2 nhà máy này chiếm hơn 30% nhân lực của Samsung Electronics toàn cầu và cung cấp hơn 50% tổng số lượng điện thoại Samsung trên toàn cầu.
Khoảng 70% công suất của cả hai nhà máy là dành cho sản xuất linh kiện điện thoại di động phục vụ lắp ráp trong nước cũng như xuất khẩu sang các nhà máy khác.
Chưa có những phân tích cụ thể về sự sụt giảm kim ngạch của nhóm hàng điện thoại trong năm 2020, nhưng có lẽ, một trong những nguyên nhân do đại dịch Covid-19 khiến đời sống của đại bộ phận người dân trên thế giới gặp khó khăn, nên nhu cầu mua sắm các sản phẩm tiêu dùng sụt giảm, nên có thể mặt hàng điện thoại không nằm ngoài vòng xoáy đó.
Tuy nhiên, với quy mô sản xuất lớn như đề cập ở trên, hy vọng nhóm hàng điện thoại sẽ sớm trở về quy đạo tăng trưởng cao như trước.
Thực tế, khởi đầu năm 2021 đã xuất hiện dấu hiệu lạc quan đó. Cụ thể, thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan trong 15 ngày đầu tháng 1/2021, xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 2,86 tỷ USD, tăng tới gần 1,5 tỷ USD (cùng kỳ 2020 đạt 1,375 tỷ USD) và tiếp tục duy trì vị thế là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Nguồn: Hải quan Online