Từ nhiều năm qua, Nhật Bản luôn nằm trong nhóm 4 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (cùng với Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc). Đặc biệt, cán cân thương mại giữa hai bên luôn được giữ ở mức khá cân bằng.
1. Quy mô kim ngạch thương mại
Kết thúc năm 2019, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam- Nhật Bản đạt xấp xỉ 40 tỷ USD (39,94 tỷ USD), cao nhất từ trước đến nay và chiếm 7,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 20,41 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2018, chiếm 7,7% tổng kim ngạch cả nước. Ở chiều ngược lại, nước ta nhập khẩu lượng hàng hóa từ “Xứ sở Mặt trời mọc” với tổng trị giá 19,53 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2018, chiếm 7,7% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Như vậy, cán cân thương mại năm 2019 có phần nghiêng về phía Việt Nam với con số xuất siêu 870 triệu USD.
Về tổng quy mô kim ngạch, kết thúc năm 2019, Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 4 (sau Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc) trong số hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có quan hệ thương mại. Tuy nhiên, nếu xét riêng ở khía cạnh xuất khẩu và nhập khẩu Nhật Bản đều là thị trường lớn thứ 3 của Việt Nam. Cụ thể, về xuất khẩu đứng sau thị trường Mỹ (61,35 tỷ USD), Trung Quốc (41,41 tỷ USD), trong khi kim ngạch nhập khẩu (từ Nhật Bản) đứng sau Trung Quốc (75,45 tỷ USD) và Hàn Quốc (46,93 tỷ USD).
Đáng chú ý, trong nhóm 4 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, thị trường Nhật Bản có cán cân ở mức tương đối cần bằng, trong khi 3 quốc gia còn lại chênh lệch lên đến hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ USD/năm.
2. Diễn biến hoạt động xuất nhập khẩu từ đầu năm 2020
Những tháng đầu năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản nằm trong gam màu chung tương đối trầm lắng, đặc biệt xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản bị sụt giảm, trong khi nhập khẩu cũng chỉ có mức tăng nhẹ.
Theo thống kê cập nhật của Tổng cục Hải quan, hết tháng 9, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt hơn 14 tỷ USD, giảm gần 1 tỷ USD (tương đương giảm hơn 6,4%) so với cùng kỳ 2019. 9 tháng qua, số lượng nhóm hàng xuất khẩu “tỷ USD” sang Nhật Bản vẫn ổn định ở con số 4 gồm: dệt may; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; thủy sản, nhưng đa phần nhóm hàng chủ lực có kim ngạch sự sụt giảm đáng kể.
Cụ thể, nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất là dệt may nhưng kim ngạch chỉ đạt 2,584 tỷ USD, giảm hơn 320 triệu USD cùng kỳ năm ngoái; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,636 tỷ USD, giảm gần 300 triệu USD; thủy sản đạt gần 1,032 tỷ USD, giảm nhẹ hơn 30 triệu USD. Như vậy, riêng sự sụt giảm của 3 nhóm hàng chủ lực này đã lên đến hơn 650 triệu USD.
Trong 4 nhóm hàng xuất khẩu “tỷ USD” chỉ có máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng có mức tăng nhẹ khoảng 30 triệu USD và đạt tổng kim ngạch 1,445 tỷ USD.
Như đề cập ở trên, hoạt động nhập khẩu từ Nhật Bản trong 9 tháng đầu năm vẫn có mức tăng nhẹ so với cùng kỳ 2019. Hết tháng 9, kim ngạch đạt 14,627 tỷ USD, tăng 3,1% (tương đương gần 450 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có 3 nhóm hàng có kim ngạch đạt từ 1 tỷ USD trở lên (tương đương số lượng của 9 tháng đầu năm 2019).
Nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất từ Nhật Bản là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch 3,903 tỷ USD, tăng mạnh gần 22,3%, tương đương hơn 700 triệu USD. Tiếp đến là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng với kim ngạch 3,312 tỷ USD, giảm hơn 180 triệu USD; sắt thép các loại đạt gần 1,976 triệu tấn, kim ngạch 1,067 tỷ USD, sản lượng tăng gần 450 nghìn tấn và kim ngạch tăng hơn 40 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 9 tháng đầu năm, cán cân thương mại có sự đảo chiều khi Việt Nam nhập siêu hơn 600 triệu USD.
Trong quý 4, nếu duy trì kim ngạch bình quân 3,385 tỷ USD/tháng như mức đạt được trong tháng 9 vừa qua, 3 tháng cuối của năm 2020 kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam và Nhật Bản sẽ đạt hơn 10 tỷ USD và kết thúc cả năm với con số xấp xỉ 39 tỷ USD, sụt giảm khoảng 1 tỷ USD so với kết quả của năm 2019.
Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát ở Việt Nam và chiều hướng tăng trưởng hoạt động xuất nhập khẩu khả quan của nước ta những tháng vừa qua, hy vọng kết thúc năm 2020, quy mô thương mại với Nhật Bản sẽ cán mốc 40 tỷ USD.
Nguồn: Hải quan Online