Hoạt động nhập khẩu có sự gia tăng mạnh mẽ trong 5 tháng đầu năm 2021 là nhờ sự mở rộng của lĩnh vực sản xuất đã thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng trong nước.
1. Hoạt động xuất nhập khẩu
Theo thông tin Bộ Công Thương vừa công bố, hoạt động xuất nhập khẩu tháng 5/2021 bị tác động bởi làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 ước tính vẫn duy trì đà tăng cao, đạt 262,25 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 5 tháng đầu năm, có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD
Trong 5 tháng đầu năm, có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 87,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 63,8%). Điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đạt 21,9 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý về mặt nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận định hoạt động nhập khẩu có sự gia tăng mạnh mẽ trong 5 tháng đầu năm 2021 là nhờ sự mở rộng của lĩnh vực sản xuất đã thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 131,31 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước.
Về nhóm hàng cần nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2021 đạt 115,26 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng 5 tháng đều tăng như: Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 24,7%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 35,9%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 51,3%…
Trong 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát đạt 8,49 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2020. Trong nhóm hàng này, kim ngạch nhập khẩu rau quả tăng 21%; bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc tăng 41,9%; ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng 40,7%.

Kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng 40,7% trong 5 tháng
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam 5 tháng qua với kim ngạch đạt 43,5 tỷ USD, tăng 53,3% so với cùng kỳ năm trước.
2. Dự báo diễn biến xuất nhập khẩu trong thời gian tới
Bộ Công Thương thông tin thêm, cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 5/2021 ước tính nhập siêu 2 tỷ USD. Tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cao hơn kim ngạch xuất khẩu khiến cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 ước tính nhập siêu 369 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,87 tỷ USD).

Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 ước tính nhập siêu 369 triệu USD
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,74 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 12,37 tỷ USD.
Dự báo, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn.
Đặc biệt, các hiệp định như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA), FTA Việt Nam-Vương Quốc Anh (UKFTA)… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 ở nhiều địa phương, nhất là một số tỉnh, thành trọng điểm ở khu vực miền Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội… là những địa phương có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đứng đầu của cả nước.
Trong tháng 6/2021 và những tháng tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ thúc đẩy xuất khẩu thông qua tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới.
Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời; củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu…
Nguồn: Hải quan Online