Việt Nam cần nhanh chóng đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, phát triển máy móc, công nghệ cũng như có cơ chế phù hợp để thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến rau quả để sớm mở rộng thị phần trong ngành hàng đầy tiềm năng này.
1. Nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng
Xu hướng tiêu thụ trái cây trên thế giới đang ngày càng tăng. Theo dự báo, thị trường rau quả chế biến toàn cầu dự kiến sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 8,3% trong giai đoạn dự báo (2018-2023).
Điển hình như tại thị trường Mỹ, xu hướng tiêu thụ rau quả quanh năm để đối phó với căn bệnh béo phì, đột quỵ đang gia tăng và nhu cầu tiêu thụ món ăn truyền thống của một bộ phận người Mỹ gốc Á, Phi khiến cho nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm rau quả nhiệt đới ngày càng tăng tại thị trường này. Nước trái cây, nước rau ép đóng hộp là những sản phẩm được ưa chuộng, chiếm khoảng 35 – 37% tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản của Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam hiện mới chỉ chiếm tỷ trọng 0,5% trong tổng nhập khẩu rau quả tại thị trường này.

Trái cây được trưng bày tại siêu thị
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), trái cây và trái cây chế biến của Việt Nam đang có cơ hội gia tăng thị phần tại Mỹ do những mặt hàng này từ Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đang phải chịu mức thuế 25% kể từ ngày 10/5/2019.
Tại EU, Việt Nam cũng mới chỉ chiếm 0,4% với 175 triệu USD giá trị xuất khẩu rau quả vào thị trường này. Điều đáng mừng là mức tăng trưởng đạt rất cao trong 5 năm gần đây, đạt trung bình xấp xỉ 20%/năm. Tương tự, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm trái cây nhiệt đới tại các thị trường khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng ngày càng gia tăng, mở ra cơ hội lớn cho ngành trái cây Việt Nam.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cũng chỉ ra rằng, sản phẩm rau quả chế biến ngày càng được khách nước ngoài ưa chuộng và tìm mua nhiều hơn, thể hiện ở sự tăng trưởng mạnh trong xuất khẩu rau quả chế biến trong khi xuất khẩu rau quả thô lại có sự sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây. Chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hàng rau quả chế biến đạt 237 triệu USD tăng 36% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này đã cho thấy sản phẩm rau quả chế biến không chịu tác động của đại dịch Covid 19 và hàng rào kỹ thuật trong thương mại.
2. Kiến nghị từ phía doanh nghiệp
Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Vina T&T Group chia sẻ, trái cây tươi, chất lượng tốt luôn có giá trị xuất khẩu cao, nhưng công nghệ thu hoạch, bảo quản, vận chuyển của Việt Nam hiện còn hạn chế khiến nhiều loại sản phẩm khi đến các thị trường xa như EU, Mỹ đều giảm chất lượng, không còn tươi ngon nên rất khó bán. Chính vì vậy, phát triển công nghiệp chế biến không chỉ là phát triển dây chuyền sấy, ép nước,… mà còn phải đầu tư cho công nghệ xử lý, bảo quản sau thu hoạch và phát triển logistics phục vụ vận chuyển rau quả.
Cụ thể, ông Tùng cho hay, trước đây, trái dừa của Vina T&T chỉ bảo quản được 28 ngày, sau thời gian này cơm dừa sẽ bị đen. Nhưng nhờ đổi mới công nghệ, thời hạn bảo quản của trái dừa đã tăng lên 70 ngày, nhờ đó công ty xuất khẩu được nhiều đơn hàng hơn. Tuy nhiên, công nghệ bảo quản của nhiều loại trái cây khác vẫn còn rất hạn chế.
Bảo quản thực phẩm đông lạnh bằng công nghệ CAS
Ông Ưng Thế Lãm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã làm nông minh bạch cũng chỉ ra rằng, muốn phát triển chế biến phải có nguồn nguyên liệu đảm bảo về chất lượng, số lượng đáp ứng công suất vận hành của nhà máy và phải có thị trường tiêu thụ. Hiện phần lớn nông dân còn canh tác nhỏ lẻ, manh mún, chưa theo tiêu chuẩn mà DN xuất khẩu và thị trường yêu cầu, trong khi DN xuất khẩu lại không có đủ nguồn lực và điều kiện để tổ chức sản xuất trực tiếp, các nhà máy chế biến đầu tư vốn lớn không có đủ nguồn nguyên liệu chế biến, chỉ hoạt động theo mùa vụ,… Chính vì vậy, ông Lãm cho rằng, Nhà nước và ngành nông nghiệp cần có cơ chế cụ thể và giữ vai trò kết nối người nông dân, DN chế biến, DN xuất khẩu thành chuỗi liên tục, thúc đẩy thực hành sản xuất, chế biến, xuất khẩu theo tiêu chuẩn chung mới có thể nâng cao giá trị và củng cố thương hiệu cho rau quả nói riêng, nông sản Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới.
Trong khi đó, đại diện Công ty Đồng Giao cho hay, hiện nay tất cả máy móc chế biến rau quả nông sản tại Việt Nam đều phải nhập khẩu từ nước ngoài nên giá thành rất cao. Để giảm chi phí đầu tư máy móc cho các DN trong ngành nông nghiệp, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các trường đại học, các viện nghiên cứu cần liên kết với các DN tập trung nghiên cứu ra các loại máy móc sơ chế, chế biến rau quả nông sản. Theo đó, có nhiều loại máy mà Việt Nam hoàn toàn có thể chế tạo như máy rửa hoa quả, máy bóc vỏ, máy ép nước,…
Trung tâm chế biến rau quả lớn nhất Tây Nguyên – Doveco Gia Lai
Cũng theo đại diện Công ty Đồng Giao, chi phí ban đầu của một đơn vị chế biến rau quả nông sản trung bình ít nhất từ 400 tỷ đến khoảng 2.000 tỷ đồng. Với nhu cầu vốn lớn như vậy, Nhà nước cần nghiên cứu chính sách phù hợp ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư chế biến rau quả nông sản về các vấn đề như: thời gian vay vốn, thời gian trả vốn và lãi vay một cách hợp lý nhất.
Nguồn: Hải quan Online