Sau thành công của 2 giai đoạn triển khai, Chiến dịch Con Rồng Mê Kông liên quan đến phòng, chống tội phạm ma túy; động, thực vật hoang dã đang được xem xét để thực hiện tiếp giai đoạn 3.
1. Mở rộng quy mô, lĩnh vực
Chiến dịch Con Rồng Mê Kông do Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc đồng sáng kiến được khởi động từ tháng 9/2018 và nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật rất lớn từ Văn phòng Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) và Văn phòng Liên lạc tình báo khu vực châu Á – Thái Bình Dương (RILO AP) của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) cũng như sự đồng thuận tham gia của cơ quan Hải quan 6 nước trong tiểu vùng sông Mê Kông.
“Trước đó, ở tầm quốc gia, các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông đã có thỏa thuận hợp tác về phòng, chống tội phạm. Vì vậy, chúng tôi suy nghĩ vì sao không khởi động một chương trình hợp tác cụ thể trong lĩnh vực Hải quan. Điều này sẽ giúp nâng cao vai trò, vị thế của Hải quan Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”- lãnh đạo Phòng 2 (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan)- đơn vị khởi phát ý tưởng triển khai Chiến dịch, chia sẻ.
Mặt khác, việc thúc đẩy và triển khai sáng kiến xuất phát từ thực trạng tội phạm ma túy ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là tiểu vùng sông Mê Kông diễn biến rất phức tạp trong những năm gần đây.
Theo báo cáo ma túy toàn cầu của UNODC năm 2018, số lượng ma túy tổng hợp Methamphetamine bị bắt giữ trong khu vực Đông Nam Á đã tăng kỷ lục, tăng 700% so với số lượng bắt giữ năm 2008. Đặc biệt, điểm nóng Tam Giác Vàng trong khu vực các nước Tiểu vùng Mê kông vẫn đang là khu vực sản xuất ma túy tổng hợp và heroin cũng như trồng cây thuốc phiện rất lớn. Báo cáo của UNODC năm 2017 cũng chỉ ra ra thông tin đáng báo động là có tới 190.000 người đã bị chết sớm có liên quan tới ma túy. Và theo khảo sát của RILO A, 67% các cơ quan Hải quan trong khu vực vẫn coi đấu tranh với tội phạm ma túy là ưu tiên trước hết trong công tác kiểm soát…
Với sự hợp tác tích cực của các thành viên và sự hỗ trợ của UNODC và RILO AP, giai đoạn 1 (kết thúc tháng 2/2019) của Chiến dịch thu được kết quả tích cực, các thành viên đã bắt giữ 164 vụ việc và gần 2.230 kg ma túy.
Trên cơ sở thành công của Chiến dịch Con Rồng Mê Kông giai đoạn 1, UNODC cùng thống nhất với Hải quan Việt Nam và hải quan các nước điều phối tiếp tục triển khai Chiến dịch Con Rồng Mê Kông giai đoạn 2.
“Kết quả đấu tranh giai đoạn 1 cho thấy các đường dây tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ nằm ngoài tiểu vùng sông Mê Kông và lĩnh vực phạm tội cũng không chỉ dừng ở ma túy. Vì vậy, các nước đồng sáng kiến và UNODC, RILO AP quyết định mở rộng thành viên và thêm cả nội dung về đấu tranh đối với động, thực vật hoang dã”- lãnh đạo Phòng 2 chia sẻ về sự mở rộng quy mô của Chiến dịch.
2. Xem xét triển khai giai đoạn 3
Với sự nỗ lực của các thành viên, kết quả đấu tranh giai đoạn 2 của Chiến dịch Con Rồng Mê Kông tiếp tục thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết Chiến dịch Con Rồng Mê Kông giai đoạn 2 (ngày 12/11/2020), với tư cách là nước đồng chủ trì sáng kiến, ông Nguyễn Hùng Anh- Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (đại diện Hải quan Việt Nam) nhấn mạnh: qua báo cáo sơ bộ, giai đoạn 2, các thành viên tham gia Chiến dịch đã bắt giữ tổng số 284 vụ buôn bán ma túy và động thực vật hoang dã; tang vật thu giữ lên đến gần 2.000 kg và gần 2 triệu viên ma túy các loại; gần 2.000 kg và hơn 1.500 sản phẩm động vật hoang dã, cùng gần 150 tấn và 1.000 m3 gỗ quý hiếm.
“Những con số này đã cho thấy một thực tế rõ ràng là các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia sẽ không có ý định từ bỏ hoặc giảm đi các hoạt động phi pháp do những hạn chế trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Ngược lại dường như chúng còn sử dụng các hoạt động tinh vi và liều lĩnh hơn”- ông Nguyễn Hùng Anh nói.
Tại Việt Nam, từ đầu năm 2020 đến nay, Hải quan Việt Nam đã chủ trì và phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ 129 vụ với 162 đối tượng, thu giữ hơn 800 kg và gần 400 nghìn viên ma túy các loại.
Tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và trung chuyển đi nước thứ ba tiêu thụ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy xuyên quốc gia diễn ra trên tất cả các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, cảng biển, sân bay quốc tế và bưu điện quốc tế.
Ông Nguyễn Hùng Anh khẳng định: từ thực tiễn trong công tác kiểm soát đấu tranh chống buôn lậu vận chuyển trái phép các chất ma túy, động thực vật hoang dã cũng như tội phạm xuyên quốc gia, Cục Điều tra chống buôn lậu luôn coi trọng và đánh giá cao những giá trị trong công tác phối hợp quốc tế và Chiến dịch Con Rồng Mê Kông là một trong những ví dụ điển hình.
Đồng tình với đánh giá nêu trên của Hải quan Việt Nam, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Hải quan Trung Quốc) Sun Zhi Jie đánh giá cao hiệu quả hợp tác trong Chiến dịch và đề xuất các thành viên tiếp tục triển khai giai đoạn 3.
Đại diện của UNODC khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương Jeremy Douglas nhận định thêm, trong bối cảnh khó khăn của dịch Covid-19 nhưng kết quả của giai đoạn 2 cho thấy nỗ lực lớn của các thành viên và tầm quan trọng, sự cần thiết trong hợp tác cho giai đoạn tiếp theo và UNODC sẽ tiếp tục hỗ trợ giai đoạn 3 của Chiến dịch.
Theo đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu, tại cuộc họp trực tuyến vừa qua, các thành viên đều không có ý kiến phản đối việc tiếp tục thực hiện giai đoạn 3 của Chiến dịch Con Rồng Mê Kông. Tuy nhiên, để thực hiện, các thành viên phải tiếp tục thảo luận để thống nhất các nội dung liên quan và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi triển khai.
Nguồn: Hải quan Online