Kim ngạch xuất khẩu của đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) chiếm đến 75 – 80% tổng kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản cả nước. Song hạ tầng giao thông kết nối, logistics còn thiếu quy hoạch đồng bộ đang là những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế toàn vùng.
1. Gánh nặng của nông sản xuất khẩu
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, một doanh nghiệp XK thủy sản cho biết: chi phí vận chuyển một container hàng thủy sản của doanh nghiệp từ Cà Mau lên TPHCM là 11 triệu đồng, từ Hậu Giang đi TPHCM là 7 triệu đồng. Với tổng số 6.700 – 7.000 container/năm, mức chi phí tiếp vận hậu cần riêng vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp phải trả là hơn 60 tỷ đồng/năm.
Nếu có dịch vụ tiếp vận hậu cần hợp lý hơn, hàng hóa có thể xuất khẩu trực tiếp từ ĐBSCL không phải đưa lên TPHCM, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn, khoảng 30 – 40%. Khi đó, tính cạnh tranh của các mặt hàng nông sản sẽ cao hơn.
Với vai trò trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam, hàng năm ĐBSCL đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của vùng khoảng 17 – 18 triệu tấn/năm.
Trong khi đó, kết cấu hạ tầng giao thông của khu vực này hiện chưa đáp ứng được nhu cầu, liên kết nội vùng và liên vùng, đặc biệt liên kết vùng ĐBSCL với Đông Nam Bộ còn yếu. Hệ thống đường bộ cao tốc chưa hình thành, chất lượng mặt đường và quy mô một số tuyến còn hạn chế. Hệ thống đường thủy cơ bản đã được đầu tư phần luồng, tuy nhiên còn hạn chế tại các vị trí tĩnh không cầu nên chưa khai thác được hết công suất của tuyến luồng; logistics chưa phát triển.
Hiện khu vực ĐBSCL có 7 cảng biển và 31 bến cảng nhưng chỉ đảm nhận được 20-25% tổng lượng hàng có nhu cầu vận tải bằng đường biển của cả vùng. Cảng lớn nhất trong vùng là Cái Cui có năng lực tiếp nhận tàu trên 20.000 DWT, nhưng bị hạn chế của luồng sông Hậu nên cũng chưa khai thác hết công suất. Đối với tuyến hàng không, ĐBSCL hiện có 4 sân bay nhưng cũng không có nhiều đóng góp cho hoạt động logistics. Cụ thể, sân bay quốc tế Cần Thơ hiệu quả khai thác mới đạt 28% công suất thiết kế, các cảng hàng không Cà Mau và Rạch Giá chưa được nâng cấp. Trong khi đó, đường sắt kết nối với TPHCM đã được quy hoạch nhưng do nguồn lực quá lớn nên chưa thể đầu tư được.
Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, hiện có đến 70% lượng hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL phải chuyển tải về các cảng lớn ở TPHCM và Vũng Tàu như cảng Cát Lái, Cái Mép khiến doanh nghiệp phải gánh chi phí vận tải cao hơn từ 10-40% tùy từng tuyến. Điều này cũng khiến cho tình trạng quá tải diễn ra thường xuyên trên các tuyến giao thông kết nối từ TPHCM đến các tỉnh vùng ĐBSCL.
2. Phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm
Thông tin về tình hình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL theo Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, trong giai đoạn từ 2016-2021, Bộ GTVT đã triển khai đầu tư xây dựng 31 dự án, công trình giao thông vùng ĐBSCL với tổng mức đầu tư khoảng 88.963 tỷ đồng.
Đặc biệt, hiện đã hoàn thành đầu tư 12 cảng biển, 40 bến cảng, 7,6 km cầu cảng, công suất thiết kế của các bến cảng trong khu vực khoảng 31 triệu tấn/năm. Trong đó việc hoàn thành và đưa vào sử dụng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu đã nâng cao hiệu quả khai thác các bến cảng tiếp nhận tàu trọng tải 20.000 tấn hiện có và phát triển những khu bến tiếp theo theo quy hoạch; đã bắt đầu hình thành những tuyến vận tải container mới trên các tuyến biển gần cho các tàu container sức chở 500 – 1.000 teu.
Thời gian tới, tổng nhu cầu vốn ngân sách nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 khoảng 198.823 tỷ đồng. Trong đó, chuẩn bị đầu tư mới 37 dự án đối với 4 lĩnh vực (đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không) với tổng mức đầu tư khoảng 182.713 tỷ đồng; nhu cầu vốn để hoàn thành 14 dự án chuyển tiếp với kinh phí khoảng 16.110 tỷ đồng.
Cùng với sự đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước, nguồn vốn tư nhân cũng đang tập trung nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông cho khu vực ĐBSCL.
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đồng Tâm, đơn vị đầu tư xây dựng Cảng Quốc tế Long An cho biết, với diện tích 147ha bao gồm 7 cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu 30.000 – 70.000 DWT, tổng chiều dài cầu cảng là 1.670m và 4 bến sà lan tiếp nhận sà lan 2.000 tấn, Cảng Quốc tế Long An hội tụ rất nhiều yếu tố thuận lợi, có kinh nghiệm khai thác các mặt hàng siêu trường, siêu trọng, những mặt hàng đòi hỏi quy trình làm hàng phức tạp.
Hiện nhà đầu tư cũng đang xúc tiến hoàn tất các thủ tục pháp lý xin mở rộng quy mô, để các cầu cảng số 8 và 9 có công suất thiết kế xây dựng đón được tàu có trọng tải lên đến 100.000 DWT, dự kiến sẽ hoàn tất xây dựng đúng tiến độ vào năm 2023 đưa Cảng Quốc tế Long An trở thành một cảng biển đa năng, giàu tiềm lực tại khu vực ĐBSCL.
Nguồn: Hải quan Online