Trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp đã đóng góp đáng kể tạo nên kết quả xuất khẩu tích cực. Tuy nhiên theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nếu nhìn vào từng ngành cụ thể cho thấy kết quả có sự khác biệt. Cụ thể như những mặt hàng điện tử, hàng điện gia dụng và đồ gỗ nội thất…là những mặt hàng đang hưởng lợi cũng như có tác động tương đối tích cực do nhu cầu tăng cao ở thị trường khu vực châu Âu và Bắc Mỹ.
Trong khi đó, ngành hàng dệt may, da giày khó khăn còn rất lớn, đặc biệt là tác động của việc đứt gãy chuỗi cung ứng thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, không chỉ ở nguồn cung mà ngay trong cả các chuỗi vận hành chuỗi hoạt động logitics. “Điều đó cho thấy tăng trưởng xuất nhập khẩu chung trong đó có nhóm ngành hàng công nghiệp đang có sự khác biệt, cần xem xét kỹ và có hỗ trợ kịp thời cho những ngành hàng bị tác động lớn bởi dịch bệnh”, ông Hải nói.
Trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu hơn 2 tỷ USD, song nhập siêu cũng gia tăng khá mạnh. Nguyên do là với sự phục hồi của sản xuất cũng như của thị trường, các nhóm hàng nguyên liệu cần thiết, đặc biệt là phục vụ cho các ngành hàng như đồ gỗ, nhựa, dệt may, da giày và linh kiện điên tử, linh kiện cho đồ điện gia dụng…vẫn đang là nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất.
Phân tích về điều này, ông Hải cho rằng, Việt Nam nhập khẩu cơ bản vẫn là những mặt hàng nguyên liệu phục vụ cho các ngành hàng xuất khẩu và điều này thể hiện sự cân bằng trong hoạt động xuất nhập khẩu. Về cơ cấu, mặt hàng nhập khẩu phục vụ cho sản xuất vẫn là cơ cấu hợp lý để Việt Nam có thể tiếp tục khuyến khích DN đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.
Tuy nhiên ông Hải cũng khuyến cáo, hoạt động thương mại trong bối cảnh hiện nay chịu tác động của rất nhiều các yếu tố bất ổn đến từ các biến động về mặt chính trị xã hội cho đến dịch bệnh, thiên tai, môi trường. Bởi vậy, việc nâng cao khả năng thích ứng và chịu đựng trước những tác động bất lợi của thị trường đến từ nhiều nguồn khác nhau là một yếu tố hết sức thiết yếu đối với các DN.
“Từ bài học của dịch Covid-19, các DN cũng cần phải lên phương án chủ động hơn nữa, toàn diện hơn trước những yếu tố bất ổn khác nhau để có thể giảm thiểu được thiệt hại cũng như vươn lên và nắm bắt được những cơ hội từ các yếu tố nguy cơ”, ông Hải cảnh báo.
Nguồn: VOV.VN